1. Món hầm là gì?
Hầm là một phương pháp nấu ăn kết hợp các thành phần thực phẩm có độ cứng nhất định (xương, giò,...) được đun sôi trong nước và sử dụng với nước sốt khi nấu ăn. Các thành phần trong một món hầm rất đa dạng, nó có thể được kết hợp tùy theo ý muốn của người nấu va người ăn. Các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, hành tây, đậu, ớt và cà chua hoặc thịt, loại thịt đặc biệt dai thích hợp để nấu lâu trên lửa nhỏ như thịt bò nhưng vẫn giữ được độ dinh dưỡng. Một số thực phẩm tương đối mềm như thịt gia cầm, xúc xích,... cũng thường được sử dụng kèm theo khi hầm.
Ở phương Tây, nước dùng để hầm phổ biến có thể được làm từ rượu, nước lèo và bia. Nhưng đối với ẩm thực châu Á, nước dùng có thể được đun bằng nước dừa, nước hầm xương, nước luộc rau củ,... Gia vị được thêm vào khá phong phú, tùy thuộc vào công thức của món ăn cụ thể. Món hầm thường được nấu ở nhiệt độ thấp và lửa nhỏ trong một khoảng thời gian dài mà không cần đun sôi. Các hương vị mà món hầm cho ra sẽ hòa trộn giữa các nguyên liệu cho vào và giữ lại các chất dinh dưỡng nhất định của món ăn.
1.1. Món hầm được sử dụng khi nào?
Phương pháp "Hầm" các món ăn được khuyến khích cho các nguyên liệu như thịt dai, xương, các phần thịt ít mềm nhất trở nên mềm và ngon ngọt với phương pháp nấu với nhiệt độ thấp. Điều này giúp các món ăn mềm hơn và hương vị cũng ngon hơn. Vì thế, những phần thịt ít mềm nhưng lại có một số lượng nhất định của vân mỡ và mô làm cho món hầm ngon ngọt và là lựa chọn vừa tiết kiệm, vừa ngon miệng hơn trong khi thịt nạc dễ có thể trở nên khô và dễ ngán khi ăn.
Các món hầm rất thích hợp và được ưa chuộng cho người ốm, người già và trẻ em. Bởi trong khi nguyên liệu mềm, ngọt, dễ thưởng thức thì món hầm còn được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để đảm bảo đủ chất và cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trong một số định nghĩa, món hầm tương tự như súp. Tuy nhiên, nhìn chung, các món hầm có ít nước hơn súp, đặc hơn nhiều, đòi hỏi về mặc thời gian khi nấu vì anh chị sẽ phải nấu trên lửa nhỏ trong một thời gian dài và phải nấu chín hoàn toàn. Trong khi súp gần như luôn luôn được ăn trong một cái bát và cần muỗng thì các món hầm có thể đủ đặc để có thể chỉ ăn bằng đĩa với nước sốt chan lên các nguyên liệu nấu trong món hầm đó.
1.2. Sự khác biệt giữa món hầm và ninh
Bên cạnh phương pháp hầm các món ăn thì có một phương pháp cũng với cách nấu gần tương tự vậy nên đôi khi khiến một số anh chị nhầm lẫn không biết đâu mới là phương pháp hoàn hảo cho món ăn mình dự định làm - đó là phương pháp ninh. Cả việc ninh và hầm món ăn đều giống nhau ở chỗ chúng cần sử dụng nhiệt trong một khoảng thời gian dài. Sau đây tôi sẽ đưa ra những sự khác biệt giữa hai món ăn này để anh chị có thể hình dung rõ hơn trong lựa chọn cách nấu ăn nhé.
- Ninh: là phương pháp nấu những loại thực phẩm có kích cỡ lớn vào một lượng nước tương đối nhiều, đun sôi lăn tăn trong thời gian lâu để thực phẩm tiết nhiều chất ngọt vào nước và chín dừ. Khác với món luộc, món ninh ăn luôn cả nước lẫn cái và nước dùng khi ninh đặc biệt dinh dưỡng không nên bỏ đi. Với phương pháp ninh thì sẽ không có nhiều thành phẩm món ăn phong phú như một số cách nấu khác. Nhưng đặc biệt món "chân giò ninh măng " lại là món ăn cổ truyền của dân tộc, thường có trong các bữa cỗ, nhất là Tết cổ truyền Việt Nam ta. Phương pháp ninh chỉ thích hợp đối với các nguyên liệu động vật dai, cứng, có lẫn cả xương, gân, vân mỡ và một vài thứ thực vật ăn củ và củ, hạt có bột tươi hay khô.
- Hầm: là phương pháp đã làm chín sơ thực phẩm (đã rán hay xào trước đó sơ qua) vào nước, đun nhỏ lửa trong thời gian lâu để làm cho thực phẩm thơm và chín dừ dần. Như vậy, quá trình làm món hầm là phải phối hợp cả rán (hay xào) và ninh, nước dùng của món hầm cũng sẽ có độ đặc và sệt hơn so với ninh vì với phương pháp ninh thì nước dùng sẽ lỏng gần như canh súp. Ở Việt Nam có một món hầm cũng khá phổ biến không kém món ninh đó là Chân giò hầm Hạt sen, món chân giò dễ ăn và thơm ngon vốn đã là thực phẩm quen thuộc khi lựa chọn bồi bổ của mỗi gia đình Việt, tôi cũng đã có một bài viết chuyên sâu hơn về món ăn này tại Hạt Điều Bác Tâm với những cách chọn nguyên liệu và công thức nấu sao cho dinh dưỡng nhất, đây là món ăn mà tôi nghĩ anh chị nên bỏ túi để chiêu đãi gia đình mình đấy.
Không chỉ dừng lại ở mỗi món Chân giò hầm hạt sen, phương pháp hầm thì có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau tùy theo cách hầm của mỗi người. Để phù hợp với khẩu vị của người Việt mình, tôi sẽ giởi thiệu một số món hầm khá quen thuộc và phổ biến như là gà hầm thuốc bắc, cà ri gà hầm rau củ, canh gà hầm đậu, bồ câu hầm hạt sen,... Đối với món ăn Bồ Câu hầm Hạt Sen thì đây còn là một món ăn bổ dưỡng, có vị thơm đậm đà. Bồ câu phải được lựa chọn kĩ càng thì mới cho ra chất lượng món ăn ngon đúng điệu. Đối với món bồ câu hầm hạt sen này thì nếu anh chị thường xuyên đón đọc các bài của tôi thì chắc anh chị cũng nhận ra tôi đã giới thiệu khá kĩ và chi tiết để anh chị có thể tự chế biến món bồ câu hầm hạt sen tại nhà không thua bất kì hàng quán nào. Và hôm nay đây, một món hầm tuyệt vời nữa mà tôi sẽ đưa đến anh chị, món Vịt hầm hạt sen, nghe có vẻ vừa thân thuộc nhưng cũng lạ lạ vì anh chị luôn nghĩ rằng thịt vịt sẽ không mang lại độ thơm ngon như các loại thịt khác, bài viết hôm nay đây tôi tin sẽ giúp anh chị có cái nhìn khác về món Vịt hầm Hạt Sen.
1.3. Món Vịt hầm Hạt Sen có nguồn gốc từ đâu?
Vịt hầm (hay còn gọi là vịt tiềm) là một món ăn có nguồn gốc từ xứ Trung Hoa (món vịt tiềm), cách nấu thịt vịt với một loại nước sốt cô đặc, sệt hơn chỉ mới du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng đã được nhiều người đón nhận và yêu thích. Vịt hầm có nguyên liệu chính là thịt vịt và các loại rau củ quả, thảo mộc nên có mùi thơm nhẹ nhàng nhưng hôm nay tôi sẽ giới thiệu món vịt hầm này nấu kèm với nguyên liệu chính là Hạt sen. Tôi tin vị ngọt đặc trưng từ món ăn này sẽ khiến anh chị hài lòng không chỉ về độ ngon mà còn rất bổ dưỡng. Vịt hầm hạt sen có thể ăn không hoặc ăn cùng với cơm nóng, bún hoặc mì đều được.
Từ công thức truyền thống tới công thức biến tấu vô cùng đặc biệt đều có thể tạo ra một món hầm từ nguyên liệu thịt vịt quen thuộc với các loại thuốc bắc, hạt sen, nước dừa,…Món vịt hầm (vịt tiềm) ngon bổ dưỡng luôn là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời dành cho những người mới ốm dậy, người có sức đề kháng yếu cần bổ sung thêm thức ăn, thêm năng lượng để phục hồi hiệu quả sức khỏe thể trạng. Với cách nấu vịt hầm (vịt tiềm) thuốc bắc ngon, cách nấu vịt hầm hạt sen ngon, cách nấu vịt tiềm nước dừa ngon, cách nấu vịt tiềm bát bửu ngon,... tại nhà sẽ là những sự lựa chọn tuyệt nhất mà các mẹ có thể tham khảo để chiêu đãi gia đình một món ăn ngon miệng chỉ từ những nguyên liệu đơn giản nhé.
2. Món Vịt hầm Hạt Sen tốt cho sức khỏe thế nào?
2.1. Hồi phục sức khỏe
Trong 100 gram thịt vịt có chứa khoảng 25 gram protein (cao hơn nhiều so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acid nicotic,… cũng rất cao. Các chất này có tác dụng bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe của người vừa ốm dậy hay cần tăng sức đề kháng khá tốt. Món Vịt hầm hạt sen sẽ rất lợi cho những người mắc phải các vấn đề sau đây:
- Người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, phù nề, tiểu ít.
- Phù nề, dùng cho các trường hợp phù ứ nước trong người.
Ngoài ra, nổi bật hơn hết thì thịt vịt có chứa đa dạng các loại vitamin nhóm B và đặc biệt chứa nhiều vitamin B3 (niacin). Nhóm vitamin này rất quan trọng đối với cơ thể bởi các chức năng như: chuyển đổi thực phẩm đi vào cơ thể thành năng lượng, đóng vai trò trong chức năng nhận thức của não bộ, liên quan đến hoạt động của hệ thống cơ và thần kinh, thịt vịt có vai trò nhất định trong hệ thống miễn dịch, sản xuất DNA và các tế bào hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu.
Nếu anh chị ăn món Vịt hầm hạt sen ít nhất một lần trong tuần sẽ giúp cơ thể bổ sung chất dinh dưỡng, ổn định tinh thần, kéo dài cuộc sống.
2.2. Ổn định tinh thần
Từ lâu trong Đông y, Hạt Sen có nhiều tác dụng và được dùng như một vị thuốc. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong hạt sen có chất kiềm, glucoxit thơm có tác dụng an thần. Khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra insulin làm dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Tác dụng của Hạt sen nổi bật chính là có thể chữa lành chứng căng thẳng và hạn chế sự bồn chồn một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, khoáng chất chính trong thịt vịt là selenium. Đây là khoáng chất chủ chốt trong các hoạt động chống oxy hóa, có nhiều lợi ích đối với phản ứng viêm và miễn dịch. Cùng với đó, cung cấp đúng và đủ lượng selenium hàng ngày cũng rất hữu ích đối với sức khỏe tuyến giáp. Đáng chú ý, một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ cao tuổi có nồng độ selenium trong máu thấp sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể trong vòng 5 năm. Vitamin B3 đặc biệt dồi dào trong thịt vịt cũng hỗ trợ sản xuất nhiều loại hormone điều hòa cơ thể.
2.3. Hỗ trợ bệnh tăng huyết áp
Trong 100g hạt sen sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 332 calorie, 17 – 18g protein, 63 – 68g carbohydrate, 1,9 – 2,5g chất béo. Ngoài ra, còn có các thành phần khác như nước (14%) và các khoáng chất tốt cho sức khỏe: natri, kali, canxi, photpho, mangan. Bên cạnh đó, loại hạt này còn chứa một lượng vitamin B dồi dào, đặc biệt là thiamine (vitamin B1). Còn về tác dụng của thịt vịt, trong khi cá và các loại hải sản được xem là nguồn cung cấp acid béo omega – 3 hàng đầu thì ít ai biết thịt vịt cũng rất dồi dào các acid có lợi cho tim mạch. Việc ăn thịt vịt có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch một cách hiệu quả.
2.4. Vịt hầm hạt sen hỗ trợ điều trị các vết thương
Hạt sen có chất chống oxy hóa giúp kháng viêm, ngăn nhiễm khuẩn hiệu quả. Đó là lý do tại sao chúng là một nguyên liệu quan trọng của y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thập kỷ để chữa lành vết thương, ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng. Và đây có thể là điều mà tôi nghĩ ít ai biết khi da vịt là nguồn cung cấp glycine tuyệt vời. Glycine là một loại acid amin quan trọng và có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như chữa lành vết thương, thúc đẩy một giấc ngủ ngon... Mỗi 100 gram thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1614 mg loại acid amin này.
Thịt vịt đã trở nên phổ biến trên bàn ăn từ Đông sang Tây với vô vàn cách chế biến hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn ăn thịt vịt có tốt không thì tôi tin là sau bài viết ngày hôm nay anh chị đã có cho mình những kiến thức cũng như những cái nhìn khác về thịt vịt nói riêng và món Vịt hầm hạt sen nói chung.
3. Chọn mua nguyên liệu nấu món Vịt hầm Hạt sen
3.1. Chọn mua Hạt Sen ngon
Hạt Sen là một món ăn vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Hạt sen vừa rẻ lại vừa giàu những giá trị về mặt sức khỏe cho người. Hạt sen cũng được nghiên cứu là có rất nhiều tác dụng khác nhau. Những năm gần đây, các nhà thực vật học đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng trong hạt sen có chất kiềm, glucôxit thơm có tác dụng an thần. Sau khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra chất insulin làm người ta dễ ngủ hơn. Thế nên bài thuốc để chữa chứng mất ngủ thì tên gọi "Hạt Sen" luôn là một trong những cái tên sáng giá giúp cân bằng, ổn định trạng thái và giác ngủ. Tôi sẽ cho anh chị vài mẹo bỏ túi hôm nay để có thể chọn được Hạt Sen Khô nấu món vịt hầm ngon nhất. Vì sao lại là Hạt sen khô? Bởi tôi nghĩ trong thời kì dịch bệnh này, thì Hạt sen khô là một lựa chọn tốt khi anh chị có thể dễ dàng mua hơn cũng như chúng sẽ bảo quản được lâu hơn so với Hạt Sen Tươi mà không phải thêm công đoạn phơi khô. Và một điều nữa để anh chị yên tâm hơn về vấn đề giữ hạt sen khô và tươi đâu mới là lựa chọn tốt, thì hàm lượng dinh dưỡng của cả hai loại này đều như nhau nên anh chị không phải lo lắng nhé.
Có thể anh chị quan tâm: 1Kg Hạt Sen có giá bao nhiêu?
Yếu tố cần quan tâm đầu tiên khi sử dụng hạt sen khô là chọn mua ở địa chỉ cung cấp uy tín và có thương hiệu rõ ràng. Cụ thể các tỉnh thành nổi tiếng về chất lượng hạt sen như Hưng Yên, Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp. Anh chị nên ưu tiên chọn sen được chế biến từ phương pháp thủ công vẫn giữ được hương vị. Tôi có lời khuyên là nên mua hạt sen khô có màu trắng đục, hạt nhỏ và đều. Thường thì hạt sen khô sẽ không có tim sen (đây cũng là một điều bất lợi so với Hạt sen tươi khi anh chị không thể tận dụng hết những giá trị từ hạt sen). Đối với hạt sen khô đã làm thành phẩm, anh chị nên chọn mua loại được chế biến thủ công và có thể dùng tay bóc được. Loại này không chứa chất bảo quản nên hương vị vẫn còn nguyên vẹn, khi nấu ăn sẽ giữ được hương sen trong các món ăn và đặc biệt đối với món hầm sẽ cần tận dụng khá nhiều về vấn đề hương vị từ các nguyên liệu.
3.2. Chọn mua các nguyên liệu nấu kèm
Tuy món có tên gọi là Vịt hầm Hạt sen đã thể hiện nổi bật hai nguyên liệu chính đó là thịt vịt và hạt sen. Nhưng để món hầm này có thể ngon hơn bao giờ hết thì anh chị cũng nên lưu ý chọn mua thêm một vài nguyên liệu củ quả hay các loại thảo mộc khác để tăng vị hấp dẫn cho món ăn. Với công thức nấu ngày hôm nay, tôi sẽ giới thiệu thêm một số loại củ quả và thảo mộc nấu kèm để cho món ăn này ngon miệng nhé. Cùng xem đó là những nguyên liệu nào và chọn sao cho ngon nhé.
Cách chọn mua cà rốt ngon: Cà rốt là một loại củ khá quen thuộc trong thực đơn đi chợ hàng ngày của mỗi gia đình Việt. Thế liệu với loại thực phẩm quen thuộc như thế, anh chị đã biết đâu là cách phân biệt cà rốt ngon và tươi hay chưa. Tôi tin là những điều sau đây sẽ khiến một vài anh chị bất ngờ và ngộ ra rằng không biết từ trước đến giờ mình đã đúng hay chưa khi đi chợ đơn giản thế nhỉ. Để nhận biết một củ cà rốt ngon, anh chị nên chọn những củ có kích cỡ vừa phải (trừ loại cà rốt baby), không quá to (vì nếu quá to thì tôi nghĩ anh chị cũng nên quan ngại về vấn đề củ quả có thuốc tăng trưởng), dáng của củ cà rốt sẽ thuông dài dần về phía đuôi. Khi cầm lên thì củ cà rốt phải chắc tay và có độ hơi cứng, màu sắc của lớp vỏ bên ngoài là màu cam đậm thiên tươi sáng. Nếu là cà rốt còn cuống thì cuống lá phải tươi và gắn chặt vào củ.
Anh chị nên lưu ý không chọn những củ cà rốt có kích cỡ quá nhỏ hay quá to ở phần vai củ như tôi nói trên, lõi cà rốt quá lớn cũng là điều nên tránh vì đây là cà rốt già sẽ không được ngon bằng. Đặc biệt không chọn những củ cà rốt bị mềm, héo, gãy hay biến dạng quá mức.
Cách chọn mua nấm hương ngon: Hơn ai hết, tôi hiểu được rằng nấm là một trong những thực phẩm anh chị hay lo lắng khi mua vì sợ sẽ gặp phải những người bán không có tâm, bảo quản không kĩ sẽ dẫn đến sản phẩm bị cũ, mốc thì như thế vô cùng có hại cho sức khỏe. Hôm nay tôi sẽ chỉ cho các anh chị cách chọn mua nấm hương khô sao cho ngon. Vì sao lại là nấm hương khô? Nên chọn nấm đã được sấy khô bởi chúng sẽ bảo quản được lâu hơn và tỉ lệ bị cũ, mốc cũng sẽ hạn chế hơn. Anh chị nên chọn mua nấm có màu nâu đậm, còn nguyên gốc vì đây sẽ là nấm nguyên gốc chưa qua xử lý, khi ăn sẽ giữ được hương vị thơm ngon hơn. Nấm hương khô ngon sẽ là những mẩu nấm không bị đứt gãy, không xuất hiện những mùi hôi ẩm khó chịu và đặc biệt sẽ không xuất hiện các vết mốc trắng, xanh.
3.3. Chọn mua thịt vịt ngon
Thịt vịt chính là nguyên liệu chính của món ăn này, vì thế mà tôi hiểu việc lựa chọn nguyên liệu cũng khiến anh chị bối rối như thế nào mới là một loại vịt ngon để món ăn đạt mức ngon nhất có thể. Anh chị hãy dẹp bỏ nỗi lo lắng đó đi vì ngay bây giờ đây tôi sẽ hướng dẫn cho anh chị một vài mẹo để nhận biết một chú vịt có phần thịt béo bỡ nhất nhé.
Đối với vịt còn sống: Vịt còn sống vừa là ưu điểm cũng vừa là khuyết điểm để anh chị cân nhắc khi mua. Ưu điểm là về độ tươi chắc chắn sẽ khiến anh chị không phải lo thịt đã cũ, bị ôi thiu. Đối với vịt còn sống, để nhận dạng thịt vịt ngon, anh chị hãy nhìn vào bộ lông của nó, nên chọn những con vịt có bộ lông óng ả, mượt mà. Nếu có thể, hãy bóp thử phần ức của vịt, phần ức nên tròn đầy, phần da cổ và da bụng thì nên dày. Một mẹo nhỏ nữa là anh chị hãy thử kéo 2 cánh vịt đan lại với nhau, nếu chúng đan chéo lại được thì tức là vịt đã đủ tuổi, trưởng thành từ đó thì chất lượng thịt vịt mới đạt chuẩn. Khuyết điểm của việc lựa chọn thịt vịt còn sống là anh chị không được sơ chế sạch trước khi mang về mà phải tự mình sơ chế thịt vịt, tôi nghĩ đây cũng là một khó khăn mà các mẹ, các chị băn khoăn về việc lựa chọn thịt vịt còn sống. Nhưng đừng lo lắng nhé, vì tôi cũng sẽ hướng dẫn một vài bí kíp bỏ túi để các anh chị lựa chọn thịt vịt đã được làm sẵn.
Đối với vịt được làm sẵn: Anh chị nên chọn những con vịt có lớp da màu tươi sáng, không bị thâm, sẫm, tốt nhất là nên chọn da có màu vàng ngả nhạt sang trắng, không có vết bầm của máu tụ lại. Nhấn vào thịt vịt cảm giác có độ đàn hồi săn chắc là thịt vịt ngon. Không nên mua thịt vịt đã bị xỉn màu, bị mềm, nhũn hay có mùi hôi quá mức cho phép vì đây chắc chắn là thịt vịt bị để lâu ngày, nếu sử dụng sẽ không đảm bảo cho sức khỏe cho anh chị.
4. Cách làm món Vịt tiềm Hạt Sen
4.1. Công thức nấu món Vịt hầm Hạt Sen
Sau khi đã đi tìm hiểu về phương pháp hầm cũng như là những lợi ích cho sức khỏe đến từ hai nguyên liệu chính là thịt vịt và hạt sen thì dưới đây sẽ phần anh chị mong đợi nhất hôm nay, công thức nấu món Vịt hầm Hạt Sen. Đây sẽ là một món ăn có mùi thơm hấp dẫn, màu sắc bắt mắt kết hợp với vị ngọt của thịt, vị bùi bùi của hạt sen của hạt sen và độ tự nhiên của nấm sẽ làm ngây ngất lòng của các thành viên trong gia đình anh chị đấy. Món ăn này rất bổ dưỡng, lại dễ làm và không tốn quá nhiều thời gian. Thế nên cùng tôi nắt tay vào bếp luôn nhé.
Sơ chế để nấu món Vịt hầm Hạt Sen
Dưới đây sẽ là liều lượng cho công thức nấu dành cho từ 1-2 người ăn nhé. Nếu gia đình đông người hơn thì anh chị nên cân đong lại nhé. Anh chị cần chuẩn bị giúp tôi:
- 500g thịt vịt
- 1 củ cà rốt
- 200g củ sen
- 200g hạt sen
- 50g táo tàu
- Hành tím, gừng
- Nước dừa tươi (có thể hầm bằng nước lọc vẫn được nhưng nước dừa sẽ giúp món ăn ngon ngọt hơn).
- Gia vị cơ bản: Dầu ăn, hạt nêm, muối,...
Thịt vịt thì anh chị cần rửa sạch, chà với muối, rượu hoặc gừng để khử mùi tanh rồi chặt thành những khúc vừa ăn. Lưu ý là thịt vịt mua về anh chị nên chế biến ngay hoặc cho vào tủ lạnh bảo quản vì thịt vịt khi để bên ngoài lâu sẽ dễ bị hôi. Các nguyên liệu còn lại như cà rốt hay nấm hương anh chị cũng mang đi rửa sạch với nước, có thể ngâm muối để đảm bảo hơn. Phần hạt sen, anh chị nên trần qua với nước sôi để khi hầm sẽ mau chín và không bị quá nát. Cà rốt gọt vỏ, cắt hình hoa cho đẹp. Hành lá thái lát mỏng.
Cách nấu món Vịt hầm Hạt Sen
Đây là một giai đoạn khá quan trọng để có được món Vịt hầm hạt sen ngon. Anh chị chuẩn bị 1 chiếc nồi, cho hành tím vào phi thơm. Khi hành tím thơm, anh chị cho thịt vịt vào xào đều trên lửa lớn và đảo liên tục. Khi thịt vịt săn lại, anh chị cho một muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê dầu hào (nếu không có cũng không sao), 1 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê bột nêm, đảo đều cho tan gia vị và sau đó cho nước dừa tươi vào. Nấu sôi sau đó bắt đầu hạ lửa nhỏ lại, hầm trong khoảng 30 phút rồi cho củ sen, cà rốt, táo khô, hạt sen và một vài lát gừng vào hầm tiếp khoảng 15 - 20 phú nữa. Khi nước dùng sôi lại lần nữa, anh chị cho vào một muỗng muối rồi tắt bếp. Một mẹo nhỏ là trong thời gian hầm anh chị nên vớt bọt thường xuyên để nước dùng được trong hơn sau khi ra thành phẩm.
Thành phẩm món Vịt hầm Hạt Sen
Sau khi món Vịt hầm hạt sen được nấu xong, anh chị cho ra dĩa và rắc một ít hành lá lên cho đẹp mắt. Món ăn này cũng không quá khó và phức tạp phải không nào? Khi chế biến món này, anh chị không cần nêm nếm quá nhiều gia vị vì sẽ làm mất đi độ ngọt tự nhiên của món ăn. Việc có sự góp mặt của Hạt sen khô không những làm nước dùng trở nên ngon và đậm đà hơn mà còn giúp tạo vị thanh mát cho món ăn. Thịt vịt thì chín mềm, thoang thoảng mùi táo tàu rất là hấp dẫn luôn. Món vịt hầm hạt sen này vừa đậm đà vừa thơm ngon lại rất đẹp mắt.
4.2. Cách ăn món Vịt hầm Hạt Sen ngon
Nên ăn khi còn nóng: Đối với những món ăn có nước sệt hay lỏng như món hầm, canh, súp thì bí quyết ngon miệng nhất đó là ăn ngay khi món ăn vừa ra lò. Độ nóng hổi từ việc mới nấu chính là một trong những công thức giúp món ăn đậm vị và kích thích vị giác hơn bao giờ hết. Khi ăn nóng, anh chị không chỉ cảm nhận được vị ngon nhất mà món ăn đem lại mà anh chị còn cảm nhận được vị thơm của từng loại nguyên liệu trong món ăn nữa. Nếu để món ăn nguội thì tôi e là mùi vị thức ăn lúc này sẽ gây ngấy hơn bao giờ hết và biến món ăn trở thành một thảm họa.
Không nên bỏ đi nước dùng: Những món ăn thông thường thì người ta chủ yếu ăn cái và bỏ đi phần nước. Thế nhưng phần nước sốt đặc sệt chính là điểm nổi bật của món Vịt hầm Hạt sen (hay còn gọi là vịt tiềm) đấy. Phần nước sốt này anh chị sẽ dùng chan lên các loại rau củ hầm cùng thịt vịt để ăn, hay nếu nấu cô đặc hơn thì chấm với một ổ bánh mì nóng hổi, giòn rụm cũng là lựa chọn không tồi. Nếu bỏ đi phần nước sốt, tôi e là anh chị đang bỏ đi những tinh túy về dinh dưỡng giữa những nguyên liệu trong đấy.
Nên sử dụng món ăn hết trong ngày: Có lẽ đây cũng là lời khuyên đối với đại đa số các món ăn. Nếu món Vịt hầm Hạt sen để qua nhiều ngày và phải hầm đi hầm lại quá nhiều lần thì hương vị món ăn ít nhiều cũng sẽ thay đổi, đôi khi việc hầm lại có thể khiến thịt vịt mềm và nhừ hơn nhưng món ăn sẽ mặn hơn và không ngon bằng việc thưởng thức hết ngay trong ngày. Bên cạnh đó, việc để món ăn sử dụng lại nhiều ngày đến khi hết có thể tận dụng và tiết kiệm nhưng cũng sẽ giảm đi độ dinh dưỡng của món ăn đáng kể. Thế nên lời khuyên là anh chị nên cân đong đo đếm đủ số lương mà gia đình mình ăn, tránh nấu quá nhiều dẫn đến dư thừa thì vừa lãng phí mà lại mất đi độ ngon và dinh dưỡng từ món ăn.
5. Cần lưu ý gì khi ăn Vịt hầm Hạt Sen
Thịt vịt có chứa nhiều protein nên có khả năng gây ngứa khá cao cho cơ địa da nhạy cảm ở một số người. Những ai đang mắc chứng ngứa da hoặc thường xuyên bị ngứa da, dị ứng khi tiếp xúc thức ăn giàu đạm thì nên hạn chế việc ăn thịt vịt.
Và cũng bởi thịt vịt có tính hàn giúp giải nhiệt sẽ khiến cho cơ thể anh chị nào bụng yếu dễ gặp các vấn đề như tiêu chảy và khó tiêu trong người. Thịt vịt chứa nhiều chất béo khiến cho hệ tiêu hóa tăng thêm gánh nặng làm bệnh tình thêm nặng hơn. Cũng như tôi đề cập phía trên thì trong thành phần của thịt vit có chứa hàm lượng purin và protein rất cao khiến cho axit uric trong cơ thể con người tăng cao. Vì thế người bị gout nên hạn chế ăn.
Thịt vịt cũng được nghiên cứu cho thấy có hàm lượng mỡ khá cao, phần lớn nằm giữa da và thịt. Tuy nhiên, chất béo trong thịt vịt là chất béo không bão hòa (không giống như chất béo bão hòa có trong động vật khác), chất béo trong thịt vịt được đánh giá lành mạnh, ít gây hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, độ béo của vịt bị giảm đi đáng kể trong quá trình chế biến, tùy thuộc vào vịt đã được nấu chín kỹ hay chưa, hoặc đã được sử dụng khi đã bỏ đi phần da. Trên thực tế, một số phần thịt như ức vịt có một lượng chất béo tương đối thấp (trong khoảng 2 gram tổng chất béo thịt vịt chỉ chứa 0,5 gram là chất béo bão hòa). Lượng chất béo này còn ít hơn lượng trong ức gà (3 gram tổng chất béo và chứa 1 gram chất béo bão hòa). Có thể thấy, thịt vịt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít gây béo phì cho có thể. Đây cũng là một trong những loại thực phẩm thường được lựa chọn trong chế độ ăn kiêng - giảm béo. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mỡ vịt nấu chín dễ bị oxy hóa lipid hơn trong quá trình bảo quản so với các loại dầu và mỡ khác. Quá trình oxy hóa lipid làm cho thực phẩm bị biến chất khi chúng không được sử dụng. Và USDA cũng khuyến nghị chỉ nên nấu vịt ở nhiệt độ bên trong 165 độ F (74 độ C), như cách anh chị sẽ nấu ăn với bất kỳ loại gia cầm nào.
Qua bài viết hôm nay, tôi tin là rất nhiều anh chị có cái nhìn khác về thịt vịt, đây cũng là một nguồn đạm vô cùng giàu giá trị dinh dưỡng mà anh chị ít nghĩ tới. Hi vọng với những chia sẻ và công thức làm món Vịt hầm Hạt Sen trên sẽ giúp anh chị có nhiều mẹo bỏ túi khi vào bếp nhé. Chúc cho anh chị và gia đình luôn được nhiều sức khỏe và có nhiều bữa ăn ngon cùng nhau.
Thanks for your reading !
from Hạt Điều Bác Tâm with ♥