1. Những điều cần biết về Chè Hạt Sen
Chè hạt sen là món ăn giải nhiệt và thanh lọc cơ thể ngon miệng trong những ngày nắng nóng. Ăn chè ngoài hàng thường cho rất ít hạt sen hoặc hạt bị bở do để quá lâu nên khó sánh bằng nồi chè nhà nấu. Hôm nay, tôi chia sẻ với quý anh chị cách nấu chè hạt sen ngọt mát gia truyền mà vẫn đảm bảo đơn giản vô cùng.
Để món ăn không chỉ ngon vị mà còn đậm chân tình, tôi chia sẻ với các anh chị một số thông tin bổ ích nhé.
1.1. Nguồn gốc của Chè Hạt Sen
Ông bà xưa thường ví von chè hạt sen là món ăn tinh túy của đất trời, hương vị vừa dịu ngọt vừa thanh mát giúp cơ thể giải nhiệt và chăm sóc sức khỏe. Món ăn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó mang hương vị ẩm thực châu Á tiếp tục lan truyền rộng rãi ở khắp nơi.
Dừng chân tại Việt Nam, chè hạt sen không chỉ đơn thuần là những hạt sen trắng sữa nấu cùng nước đường mà đã được biến tấu thêm nhiều công thức đa dạng như chè hạt sen đậu xanh, chè hạt sen nhãn nhục, chè hạt sen táo đỏ...
Người Việt Nam gắn liền tuổi thơ với những hàng chè tấp nập ngoài chợ, dù lớn lên vẫn không thôi hết nghiện hương vị ngọt mát của nước đường, ngọt bùi ngậy ngậy của hạt sen.
1.2. Giá trị dinh dưỡng của Chè Hạt Sen
Điểm đặc biệt của món ăn tráng miệng này chính là giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu, điển hình là hạt sen. Tuy là món ăn tráng miệng giản đơn nhưng phần lớn các nguyên liệu nấu chè đều rất tốt cho sức khỏe, như hạt sen, táo đỏ, nhãn khô...còn có tên trong sách dược liệu quý, các bài thuốc dân gian.
Ở đây tôi chia sẻ với quý anh chị hàm lượng dinh dưỡng có trong hạt sen nhé. Anh chị cứ ước tính trong 100g hạt sen chúng ta tiêu thụ, sẽ cung cấp các dưỡng chất sau:
- Năng lượng cơ thể: 350 calo
- 63-68 gam carbohydrate
- 17-18 gam protein
- 1,9-2,5 gam chất béo
- 13% Nước
- Các khoáng chất thiết yếu như canxi, natri, kali, photpho, magie...
- Các loại vitamin, chủ yếu là vitamin B và vitamin A.
- Một lượng nhỏ các chất khác như chất chống oxy hóa, các loại enzym...
Không phải tự nhiên mà người ta hay nói với nhau rằng "ăn chén chè mát lấy lại sức" hay "ăn chén chè để thanh lọc cơ thể, dễ chịu hơn" anh chị nhỉ ^^. Các thành phần dinh dưỡng có trong hạt sen và các nguyên liệu nấu cùng như táo đỏ, nhãn khô...đủ để anh chị yên tâm tìm hiểu ngay cách nấu chè hạt sen tẩm bổ cho gia đình rồi nhé.
1.3. Tác dụng của Chè Hạt Sen
Ngoài cảm giác ngon miệng và giải nhiệt cho cơ thể, chè hạt sen còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chủ yếu đều là những tác dụng của hạt sen dành cho sức khỏe.
Cung cấp năng lượng cho cơ thể: Hạt sen có hàm lượng calo và chất xơ tương đối vì vậy hầu hết các món ăn có loại hạt này đều cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Chè hạt sen có thể giúp anh chị kiểm soát cơn đói tạm thời, thích hợp làm bữa xế nhẹ cho con trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên ăn một ít chè nếu không muốn bị no hơi trước bữa ăn chính nhé.
Điều hòa kinh nguyệt ở nữ giới: Tình trạng kinh nguyệt thất thường một phần do tình trạng nóng trong người của các chị em phụ nữ. Một chén chè hạt sen tươi mát giải nhiệt cùng nhiều dưỡng chất làm đẹp như vitamin, các khoáng chất cực kì thích hợp cho các chị em ăn nhẹ thư giãn.
Giảm lượng cholesterol trong máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch: Sự kết hợp của các chất khoáng, vitamin, chất béo lành mạnh có trong hạt sen giúp kiểm soát lượng cholesterol xấu tiềm ẩn trong cơ thể. Mà cholesterol lại là yếu tố dẫn đến các bệnh về tim mạch, cao huyết áp vì vậy một chén chè hạt sen thanh mát rất thích hợp để nâng cao sức khỏe tim mạch của gia đình.
Cải thiện hệ tiêu hóa và bài tiết: Hàm lượng chất xơ và độ thanh mát của chè hạt sen giúp tiêu hóa tốt, giảm chứng táo bón, tiểu tiện dễ dàng. Tuy nhiên, hạt sen có tính mát nên không thích hợp sử dụng với người bụng yếu, bị rối loạn tiêu hóa vì có thể gây lạnh bụng.
Thanh lọc cơ thể: Tính mát của hạt sen càng thể hiện rõ nét qua một chén chè ngọt thanh cùng ít đá nhuyễn, bên cạnh đó các chất chống oxy hóa có trong hạt cũng hỗ trợ quá trình đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể.
Cải thiện giấc ngủ ngon: Hạt sen có tác dụng điều trị mất ngủ và giúp anh chị chìm vào giấc sâu hơn. Nhưng nói chính xác thì tác dụng này chỉ thật sự hiệu quả khi anh chị sử dụng riêng phần tim sen để nấu trà. Xem ngay cách nấu trà hạt sen từ tim sen mà tôi đã chia sẻ nhé!
Kích thích vị giác: Chè hạt sen nấu bằng đường phèn có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt, kết hợp thêm hương sen dịu dịu, cắn vào phần hạt xốp mềm cảm nhận ngay vị bùi bùi. Hương vị của món chè này giúp anh chị giải ngấy các món nhiều dầu mỡ hàng ngày, vị ngọt giúp kích thích vị giác cho các anh chị ăn ngon miệng hơn.
Anh chị có thể quan tâm thêm một món ăn khác từ hạt sen có tác dụng kích thích vị giác và thích hợp cho những dịp lễ Tết: Mứt Hạt Sen - Cách Làm Mứt Hạt Sen
Phòng ngừa ung thư: Các chất chống oxy hóa có trong hạt sen giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng viêm nhiễm, stress oxy hóa...từ đó góp phần phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Tóm lại, hạt sen có nhiều tác dụng tốt dành cho sức khỏe và cách nấu chè hạt sen là bài thuốc bổ dưỡng dành cho anh chị và gia đình nhỏ của mình. Nấu chè hạt sen thì các công thức đều có phần tương đồng nhau, tuy nhiên để cho ra một nồi chè ngon thì phụ thuộc vào một số yếu tố khác, trong đó có cách chọn mua nguyên liệu và sơ chế hạt sen.
Mời quý anh chị tham khảo tiếp nhé!
2. Bí quyết Chọn mua và Sơ chế Nguyên liệu
2.1. Cách Chọn Mua Hạt Sen Nấu Chè
Với bất kì món ăn nào thì nếu biết được những mẹo lựa chọn nguyên liệu ngon thì sẽ càng làm cho món ăn trở nên có hồn hơn và cho người ăn cảm giác tròn vị của một món ăn ngon. Đối với Chè Hạt Sen cũng vậy, nguyên liệu chính của món ăn này chính là hạt Sen thế nên sau đây tôi sẽ hướng dẫn cho anh chị bí quyết mua được hạt sen ngon của trong người nghề nhé!
Hạt sen khô nấu chè được không?
Hạt sen khô hoàn toàn có thể nấu chè hạt sen các anh chị nhé. Dạo gần đây thị trường cũng nổi lên hình thức kinh doanh bán chè theo set có sẵn, anh chị chỉ cần mua về rồi nấu. Phần lớn những nguyên liệu trong set chỉ toàn là loại sấy khô để bảo quản lâu như hạt sen khô nấu chè, táo đỏ khô, nho khô,...
Nên mua hạt sen khô hay hạt sen tươi thì nấu chè ngon hơn? Câu trả lời là loại nào nấu chè cũng ngon cả. Tuy nhiên mỗi loại hạt sẽ có những ưu điểm riêng như sau:
- Hạt sen khô: Loại này giá tương đối rẻ, dễ tìm mua trên thị trường. Thời gian bảo quản của hạt sen khô tương đối lâu khoảng 1 năm, nên quý anh chị có thể mua số lượng lớn về dùng dần cho tiện. Hạt sen khô thường được tách tim sen sẵn nên mua về chỉ cần ngâm sạch là có thể chế biến, đơn giản hóa khâu sơ chế.
- Hạt sen tươi : Loại hạt tươi này có phần trội hơn về hương vị: độ ẩm cao, hạt tươi nên ăn có hậu vị ngọt dễ chịu. Do ít chịu tác động của nhiệt nên hạt sen tươi chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhất trong các loại hạt sen. Tuy nhiên nhược điểm là hạt khó bảo quản, nếu không rành cũng khó tìm mua và quá trình tách vỏ, bỏ tim sen sẽ tốn khá nhiều thời gian của anh chị.
Tóm lại, anh chị cứ cân nhắc những ưu và nhược điểm của hai loại hạt trên rồi quyết định mua nhé. Nhưng dù là mua hạt nào thì cũng phải mua được hạt ngon và chất lượng thì nồi chè của mình mới lấy lòng được người ăn các anh chị ạ.
Cách chọn mua Hạt Sen Tươi
- Anh chị nên mua sen ngay khi vừa được hái, nếu có thể hãy trực tiếp đến các đầm sen để được mua với giá tốt nhất nữa nhé. Vì khi ấy hạt sen vẫn đang còn trên đài sen và anh chị có thể thoải mái lựa chọn những hạt sen ngon và chất lượng.
- Để hạt sen vẫn còn giữ được độ tươi ngon, anh chị nên chọn mua loại hạt sen chưa tách vỏ. Hạt sen sau khi mua về anh chị mang đi phơi nắng, tránh làm ướt hạt sen. Khi khô bỏ vào lọ để bảo quản được lâu hơn.
- Hạt sen già sẽ có màu trắng ngà hoặc vàng đậm, lớp ngoài căng tròn. Đặc biệt, những hạt sen này ăn rất thơm ngon mà không bị sượng. Khi nấu cũng sẽ có mùi thơm đặc trưng.
- Khi mua hạt sen vẫn còn tâm sen, phần hạt sen để ăn hoặc chế biến các món ngon còn tâm sen sẽ dùng để pha trà rất tốt cho sức khỏe. Trà tâm sen có tác dụng thanh nhiệt, an thần, hạ huyết áp rất tốt.
Cách chọn mua Hạt Sen Khô
- Anh chị nên mua hạt sen khô có màu trắng đục, hạt nhỏ và đều. Thường thì hạt sen khô sẽ không có tim sen.
- Đối với hạt sen khô đã làm thành phẩm, anh chị nên chọn mua loại được chế biến thủ công và có thể dùng tay bóc được. Loại này không chứa chất bảo quản nên hương vị vẫn còn nguyên vẹn, khi nấu ăn sẽ giữ được hương sen trong các món ăn.
- Hạt sen khô ngon, đảm bảo thường có xuất xứ rõ ràng, thường là từ các tỉnh thành miền Bắc như Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam,… miền Tây như Đồng Tháp và miền Trung là Huế.
Có thể anh chị quan tâm thêm về: Giá Hạt Sen trên thị trường hiện nay?
Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa Hạt Sen ngon là hạt sen ngon có kích thước đồng đều, trăm hạt như một, hạt sen chín bở thơm nhưng không nát, nghiền bằng tay sẽ thấy hạt dẻo. Và đặc biệt Khi ăn, hạt sen ngon sẽ có vị bùi, béo, ngọt thanh nhẹ.
Nhớ được cách chọn này, anh chị có thể trở thành dân sành hạt sen và yên tâm khi đi chọn mua nguyên liệu nấu chè. Nếu biết cách để lựa chọn được những hạt sen ngon - linh hồn cho món Chè Hạt Sen thì tôi tin bước lựa chọn này sẽ góp 50% trong việc làm cho món ăn trở thành tuyệt phẩm.
2.2. Cách Sơ Chế Hạt Sen nguyên liệu
Cách tách vỏ lụa hạt sen
Đầu tiên, anh chị dùng 1 con dao nhọn và khứa nhẹ trên đầu của hạt sen, rồi theo mối đã có tiếp tục khứa nhẹ, sát hết phần vỏ xanh theo hình trôn ốc cho đến hết.
Tiếp theo, đối với phần vỏ lụa hạt sen. Anh chị cũng khứa nhẹ trên đỉnh đầu rồi theo mối đã khứa lột nhẹ đến khi hết phần vỏ lụa là xong. Cách thực hiện cũng gần giống như phương pháp bóc vỏ phía trên.
Cách lấy tim sen
Đối với những anh chị thích ăn tâm sen và muốn tận dụng được tính giải nhiệt cũng như cải thiện giấc ngủ của tâm sen thì có thể bỏ qua bước này nhé. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng khoảng 4-5 tâm sen chứ cũng không nên sử dụng quá nhiều sẽ gây vị đắng. Phần tâm sen còn dư có thể đem phơi khô trữ lại để pha trà dùng dần.
Lấy tim sen bằng cách tách đôi: Sau khi Hạt Sen đã được bóc vỏ sạch sẽ, anh chị tách đôi hạt sen ra, lúc này ở giữa sẽ hiện ra lõi màu xanh nhạt đó chính là tâm sen. Anh chị dùng mũi dao nhẹ nhàng tách tâm sen ra là xong. B
Lấy tim sen để hạt còn nguyên vẹn: Cắt một phần nhỏ chỉ bằng đầu tăm ở đầu hạt sen. Tiếp đó bẻ đi phần nhọn của đầu tăm và trực tiếp dùng tăm chọc qua lỗ đối diện chỗ vừa cắt, xuyên qua hạt sen theo phương dọc. Lúc này, tâm sen sẽ được loại bỏ và đi ra từ vị trí anh chị đã cắt trên đầu sen khi nãy.
Cách Tách Vỏ Cứng Hạt Sen Khô
Trên thị trường thì có 2 loại hạt sen khô nấu chè chính: Đầu tiên sẽ là loại được tách vỏ sẵn và đóng gói - loại này sẽ khá tiện lợi cho anh chị nào không có thời gian. Còn loại thứ hai sẽ là loại hạt sen khô vỏ đen giữ cho phần hạt bên trong tránh bị khô quá mức, tuy nhiên loại này thì hơi cực ở khâu sơ chế.
Hạt sen khô, vỏ rất cứng khiến cho việc tách vỏ gặp nhiều khó khăn, với 3 mẹo dưới đây tôi chia sẻ thì tôi tin sẽ giúp cho việc tách vỏ sen của anh chị dễ dàng hơn đó:
- Hạt sen khô anh chị ngâm cùng với nước muối loãng. Sau đó, khuấy nhẹ khoảng 10 phút đến khi hạt sen nở, mềm hơn thì vớt ra cho vào nước lạnh rồi để ráo. Tiếp theo, anh chị lấy hạt sen ra khỏi nồi, là có thể bóc được một cách rất dễ dàng.
- Ngâm hạt sen khô vào nước ấm từ 30 - 45 phút đến khi vỏ hạt sen khô mềm rồi tiến hành tách vỏ giống như hạt sen tươi.
- Hạt sen khô cho vào nồi luộc khoảng 10 - 20 phút hoặc rang cho nứt vỏ trong vòng 5 - 10 phút rồi dùng dao tách vỏ rất dễ dàng.
- Đối với loại hạt sen khô được tách vỏ và đóng gói sẵn thì anh chị chỉ cần mua về và ngâm cho mềm ra trước khi chế biến món ăn là được nhé.
Cách Ngâm Hạt Sen
Hạt sen khô và hạt sen tươi mua về đều phải rửa sạch và tiến hành ngâm để hạt nở mềm khi nấu. Ngâm hạt sen vào một thao nước ấm lớn, tùy vào loại hạt mà thời gian ngâm sẽ khác nhau.
Thời gian ngâm hạt sen khô: Hạt sen khô ngâm càng lâu càng mềm, thời gian ngâm thích hợp là 4-5 tiếng hoặc nửa ngày. Sau khi ngâm, vớt ra rửa sạch với nước nhiều lần rồi để ráo.
Thời gian ngâm hạt sen tươi: Hạt sen tươi chỉ nên rửa thật kỹ và ngâm trong vòng 30 - 60 phút. Sau khi ngâm, vớt ra rửa sạch với nước nhiều lần rồi để ráo.
3. Cách Nấu Chè Hạt Sen
3.1. Cách Nấu Chè Hạt Sen Đậu Xanh
Hạt sen và đậu xanh là 2 nguyên liệu quen thuộc trong các món chè dân dã của người dân Việt. Món ăn đậm chất miền Tây và chắc chắn là rất bắt vị với những ai ưa chuộng vị ngọt. Mặt khác, đậu xanh có tác dụng ngăn ngừa các bệnh mãn tính, làm giảm huyết áp và hỗ trợ sức khỏe thai kì...
Nguyên liệu Nấu Chè Hạt Sen Đậu Xanh
Khẩu phần ăn: 3-4 người
- Lá dứa: 10 cọng.
- Đậu xanh đã cà vỏ: 300 gram.
- Hạt sen tươi: 150 gram (nếu hạt sen khô thì 100 gram)
- Đường thốt nốt: 100 gram (nếu không có đường thốt nốt thì có thể sử dụng đường phèn thay thế khoảng 200 gram).
- Bột sắn dây hoặc bột năng: 100 gram.
- Dừa nạo: 100 gram.
- Sữa đặc: 1 muỗng.
- Nước cốt dừa.
Cách chọn mua đậu xanh ngon: Để tiết kiệm thời gian chế biến, anh chị nên chọn loại đậu đã cà vỏ sẵn thường có màu vàng ươm đẹp mắt, thoang thoảng mùi thơm diu của đậu xanh. Mua đậu xanh còn nguyên vỏ thì nên chọn hạt có kích thuớc và màu sắc đồng đều, hạt đậu căng mẩy, không bị sâu mọt hay lép.
Cách chọn mua nước cốt dừa: Anh chị có thể sử dụng nước cốt dừa lon cho tiện lợi hoặc tự mua dừa xay về vắt lấy nước cốt. Cần lưu ý không sử dụng nước cốt dừa bị mốc hoặc có vị chua.
Cách Nấu Chè Hạt Sen Đậu Xanh
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Hạt sen: Hạt sen khô rửa sạch đem đi ngâm với nước ấm trong vòng 4 - 5 tiếng còn đối với hạt sen tươi thì anh chị chỉ cần ngâm tầm 30 phút. Cách sơ chế hạt sen nấu chè kĩ hơn tôi đã đề cập ở phần trước, anh chị xem lại nhé.
Đậu xanh đã cà vỏ: Đậu xanh ngâm với nước ấm trong vòng 4 tiếng. Tuy thời gian ngâm tương đối giống nhau nhưng anh chị nhớ ngâm riêng cả hạt sen và đậu xanh nhé. Thời gian ngâm đậu xanh càng kỹ thì quá trình nấu sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Lá dứa, dừa nạo đem đi rửa sạch và để ráo.
Bước 2: Nấu đậu xanh và hạt sen cho mềm
Chuẩn bị hai nồi nước để nấu đậu xanh và hạt sen: nồi nấu đậu lượng nước ngang mặt đậu là hợp lý, còn đối với hạt sen thì lượng nước nên nhiều hơn mặt sen một chút. Anh chị cho thêm một ít muối và nấu với lửa vừa khoảng 5-10 phút cho đến khi cả hai nồi sôi thì anh chị nhỏ lửa rồi đun thêm tầm 10 phút. Chú ý vớt bọt thường xuyên để phần đậu và hạt sen chín mềm và ngọt thanh nhé.
Tổng cộng thời gian đun nấu là khoảng 15-20 phút là đậu xanh và hạt sen đã chín mềm. Anh chị cẩn thận chắt hết phần nước trong nồi ra ngoài rồi ủ thêm đậu và hạt tầm 7 phút trước khi vớt ra ngoài.
Bước 3: Pha bột năng
Dùng một chén sạch cho 2-3 muỗng bột năng và một ít nước lọc để tạo độ sệt cho món chè.
Bước 4: Nấu chè
Cho khoảng 1 lít nước vào nồi đun sôi với lửa vừa, thêm lượng đường thốt nốt hoặc đường phèn đã chuẩn bị vào nồi. Nấu tầm 5 phút cho phần đường tan hết thì anh chị cho từ từ chén nước bột năng vào nồi, khuấy đều để kiểm tra độ sệt, khi nào đạt độ sệt vừa ý thì anh chị dừng nhé.
Khi phần nước sánh đặc bắt đầu sôi lên thì anh chị cho lượng đậu xanh đã luộc chín vào nồi, khuấy đều tay để đậu không bị vón cục. Đậu xanh đã đều trong nồi thì anh chị tho thêm lượng hạt sen vào tiếp tục khuấy và chờ lần sôi thứ hai.
Nồi chè sôi dậy mùi thơm, anh chị tắt bếp và tranh thủ lúc còn ấm nóng cho thêm một vài giọt vani vào để dậy mùi thơm.
Mẹo nhỏ: Để phần nước chè không bị quá loãng hoặc quá đặc gây khó ăn, anh chị nên cho lượng nước bột năng từ từ vào nồi và khuấy đều theo một chiều nhất định để món chè của mình được sánh mịn.
Ngoài ra anh chị cũng nên thử lại vị ngọt của món chè đã chuẩn vị của gia đình chưa, nếu cảm thấy thiếu ngọt hãy cho thêm một lượng đường nhé.
Bước 5: Nấu nước cốt dừa ăn cùng
Với phần nước cốt dừa anh chị có thể sử dụng trực tiếp hoặc nấu thêm cho đậm đà theo công thức sau: Hòa nước cốt dừa với nửa bát con nước, thêm một phần bột ngô (bột năng), một ít sữa đặc, xíu nhỏ muối rồi khuấy cho tan rồi nấu cho tới khi sánh lại là được.
Bước 6: Hoàn thành
Và sau khi hoàn thành tất cả bước trên thì chỉ cần trình bày và thưởng thức thôi nè. Anh chị múc chè ra bát. Rưới phần nước cốt dừa lên trên cùng với dừa bào sợi hoặc dừa sấy khô và thưởng thức ngay. Khi ăn anh chị trộn đều hỗn hợp lên, có thể cho thêm chút đá xay vào sẽ ngon miệng hơn dưới cái nắng nóng ngày hè đấy.
Món chè hạt sen đậu xanh với màu vàng nhẹ của đậu xanh, những viên hạt sen mềm thấm đường, cùng màu trắng của nước cốt dừa rất bắt mắt. Khi ăn anh chị sẽ thấy phần hạt sen mềm, có độ bùi nhất định, đậu xanh cũng nhừ và có ngọt ngọt tự nhiên, quyện lấy vị béo của nước cốt dừa. Kèm đó là dừa nạo vừa dai vừa bùi ăn rất đã miệng.
Một món chè vừa giúp cơ thể thấy sảng khoái, vừa bổ dưỡng, lại còn chống lão hóa thật hiệu quả.
3.2. Cách Nấu Chè Hạt Sen Đậu Đen
Nấu chè hạt sen đậu đen tương tự như nấu chè hạt sen đậu xanh, anh chị có thể tham khảo các bước nấu sau:
- Hạt sen sơ chế tương tự như cách tôi đã hướng dẫn chi tiết ở bên trên nhé. Đậu đen mua về vo rửa sạch, nấu với nước cho sôi tầm 2-5 phút rồi đổ bỏ phần nước đầu.
- Tiếp tục ninh nhừ đậu đen cùng 1,5 lít nước, một ít muối trong vòng 20 phút cho hạt nở bung mềm. Cho hạt sen đã ngâm vào ninh thêm 10 phút để hạt sen chín mềm. Anh chị chắt phần nước luộc đậu đen và hạt sen ra một bên để lát sau dùng lại chứ đừng bỏ đi anh chị nhé.
- Cho phần đường vào nồi chứa đậu đen và hạt sen đã chắt nước, trộn đều cho cả đậu và hạt thấm đường. Để hỗn hơp nghỉ 3-5 phút rồi tiếp tục nấu.
- Đổ phần nước vừa chắt khi nãy vào nồi trở lại, khuấy đều và đợi sôi lần nữa. Pha một chút nước bột năng vào nồi chè để tạo độ sánh mịn cho món chè thơm ngon.
Chè hạt sen đậu đen có màu đen huyền đẹp mắt, vị ngọt thanh và ăn vào rất mát, béo bùi của đậu đen, ngầy ngậy của hạt sen. Anh chị có thể cho thêm một ít đậu phộng, dừa khô nạo để ăn cùng cho ngon.
3.3. Cách Nấu Chè Hạt Sen Nha Đam Đậu Xanh
Món chè cực kì thanh mát này được kết hợp từ 3 nguyên liệu rất tốt cho sức khỏe. Với nha đam có tác dụng thanh lọc, làm mát cơ thể, giải nhiệt tốt, ngăn ngừa táo bón, tốt dáng đẹp da, giảm mụn...hay với đậu xanh giúp giảm nguy cơ đột quỵ, hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân.
Cách nấu món này tương tự với công thức nấu chè hạt sen đậu xanh ở bên trên, anh chị có thể lướt lên để đọc cho chi tiết hơn nhé.
Nguyên liệu nấu Chè Hạt Sen Nha Đam Đậu Xanh
- 500g Lá nha đam tươi (hoặc la đam chế biến sẵn)
- 100g Hạt sen tươi hoặc khô
- 200g Đậu xanh đã cà vỏ
- Đường thốt nốt hoặc đường phèn
- Một ít nước cốt canh, một xíu muối và 1-2 ống vani (có thể dùng loại vani lỏng)
Cách chọn mua nha đam ngon: Nha đam ngon nhất vẫn là nha đam nhà trồng tuy nhiên nếu không có, anh chị hãy chọn mua những cây nha đam có nhánh nhỏ và màu xanh đều. Nhánh nha đam tươi có một ít đốm trắng và nhớt tiết ra ở vết cắt. Anh chị không nên mua nha đam bị héo có màu xanh ngã về phía rìa gai.
Cách Nấu Chè Hạt Sen Nha Đam Đậu Xanh
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Nha đam: Sơ chế nha đam là bước gần như quan trọng nhất trong món ăn này vì nếu không cẩn thận, nha đam sẽ rất dễ bị đắng và ảnh hưởng hương vị của cả món chè. Mà nha đam cũng có chút độc tố nữa nên anh chị phải sơ chế cẩn thận để không bị đau bụng. Các bước sơ chế:
- Rửa sạch lá nha đam, cắt bỏ phần gai ở hai bên và phần đầu nha đam. Dùng khăn sạch lau nhẹ ở vết cắt để loại bỏ phần nhựa vừa chảy ra.
- Dùng mũi dao lách nhẹ nhàng hai bên thân nha đam, cẩn thận loại bỏ phần vỏ xanh của nha đam để khi nấu chè không bị đắng.
- Ngâm phần thịt nha đam vào một thao nước muối cùng một ít nước cốt chanh. Để nha đam thấm nước và ngâm tầm 15 phút, bóp nhẹ nha đam để loại bỏ bớt nhớt và phần độc tố nếu có.
- Vớt nha đam ra xả nhiều lần với nước sạch, vừa xả vừa bớp phần thịt nha đam.
- Cắt nha đam thành hạt lựu hoặc miếng vừa ăn, tiếp tục lặp lại bước ngâm và rửa nha đam với nước muối và nước cốt chanh. Xả lại thật sạch với nước rồi ngâm vào tô đá lạnh, cách này giúp nha đam giòn, giữ được màu trong và khi ăn sẽ ngon miệng hơn.
Đậu xanh: Loại bỏ các hạt bị hư mốc, hỏng lép ra khỏi mẻ đậu. Ngâm đậu xanh vào tô hoặc thao nước sạch trong vòng 3-4 tiếng tương đương với hạt sen khô.
Hạt sen: Hạt sen khô hay hạt sen tươi đều phải rửa sạch, ngâm với nước ấm: đối với hạt khô thì 4-5 tiếng, hạt tươi thì tầm 30 phút. Nếu anh chị muốn rút ngắn thời gian có thể ngâm một lúc và đem đi hấp hoặc luộc luôn cho mau mềm (tuy nhiên cách này sẽ không ngon bằng ngâm bình thường). Đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tim sen để nấu chè không bị đắng nhé.
Bước 2: Nấu chín hạt sen và đậu xanh
Nấu đậu xanh: Cho đậu xanh đã ngâm vào nồi nước, lượng nước cao vừa bằng mặt trên phần đậu. Nấu với lửa vừa 10 phút cho sôi rồi hạ lửa nhỏ nấu thêm 5-10 phút là đậu nở mềm. Tắt bếp, chắt hết nước rồi ủ thêm 6-7 phút cho đậu nở bung.
Nấu hạt sen: Lượng nước nấu hạt sen sẽ là lượng nước nấu chè nên anh chị cho nhiều một chút nhé. Cách nấu và thời gian nấu tương tự với đậu xanh, chắt nước luộc hạt sen qua một nồi khác - nồi này dùng để nấu chè luôn nhé.
Bước 3: Nấu chè đậu xanh nha đam hạt sen
Cho vào nồi nước luộc hạt sen bên trên phần đậu xanh, hạt sen, nha đam và bắt đầu đun sôi. Khi nước sôi anh chị cho đường vào, gia giảm tùy khẩu vị và nấu thêm tầm 5 phút cho đường tan hết rồi tắt bếp cho thêm một lượng vani tùy ý để dậy mùi thơm.
Mẹo nhỏ: Anh chị thích ăn chè có độ sệt thì chuẩn bị thêm một ít nước bột năng (bột năng pha cùng nước) và cho từ từ vào nồi chè, khuấy đều đến khi có độ sệt vừa phải. Lượng nước và độ ngọt của món chè gia giảm tùy khẩu vị nên anh chị cứ ước tính và nêm nếm lại cho chắc nhé!
Múc chè ra bát, có thể ăn khi còn ấm nóng hoặc thêm một ít đá nhuyễn cho mát lạnh, cách nào cũng đều ngon các anh chị ạ. Anh chị có thể ăn cùng một ít nước cốt dừa, dừa sợi, đậu phộng rang hoặc dừa khô để món chè thêm dậy vị.
3.4. Cách Nấu Chè Đậu Xanh Hạt Sen Phổ Tai
Phổ tai nghe có phần hơi lạ nhưng chỉ cần anh chị thường xuyên ăn chè thì sẽ biết ngay nguyên liệu thuộc họ rong biển có màu xanh thẫm và tính mát này. Phổ tai trong chè thường là những sợi rong dài, có độ giòn sần sật nên khi ăn cùng chè sẽ rất bắt vị. Ngoài ra đây cũng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với các tác dụng sau: điều hòa huyết áp, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ điều trị thấp khớp...
Chè đậu xanh hạt sen phổ tai thích hợp để chăm sóc và bồi bổ người ốm. Nấu chè đậu xanh hạt sen phổ tai phải chế biến kĩ vì phổ tai có mùi tanh khá đặc trưng tương tự rong biển. Độ tài tình của người nấu là phải làm sao biến vị ngon và ngọt thanh của món ăn lấn át vị tanh đặc trưng này.
Nguyên liệu nấu Chè Đậu Xanh Hạt Sen phổ tai
- 200g đậu xanh đã cà vỏ
- 100g hạt sen khô hoặc hạt sen tươi
- 15g phổ tai
- Đường phèn hoặc đường thốt nốt
- Một xíu muối
- 1-2 ống vani bột hoặc dạng nhỏ giọt
- Nước
Cách nấu Chè Đậu Xanh Hạt Sen phổ tai chi tiết
Nấu chè đậu xanh hạt sen phổ tai tương tự như nấu chè đậu xanh hạt sen, điểm khác biệt nằm ở bước chế biến phổ tai.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đậu xanh còn vỏ : loại bỏ hạt mốc, lép rồi đem ngâm với nước sạch trong vòng 3-4 tiếng cho mềm rồi vớt để ráo.
Hạt sen: Mua về rửa sạch, ngâm với nước ấm cho mềm: hạt khô 4-5 tiếng, hạt tươi 30 phút, đảm bảo đã tách tim sen cẩn thận. Bóp phổ tai đã nở với nước muối cho loại sạch nhớt và mùi hăng. Rửa sạch một lần nữa với nước rồi thái sợi vừa ăn. Phổ tai có phần lai giữa nấm mèo và rong biển khi ăn có độ giòn sật rất ngon.
Bước 2: Nấu đậu xanh
Cho đậu xanh đã ngâm vào nồi nước, lượng nước cao vừa bằng mặt trên phần đậu là được rồi anh chị nha. Nấu với lửa vừa 10 phút cho sôi rồi hạ lửa nhỏ nấu thêm 5-10 phút là đậu sẽ vừa chín tới và nở mềm. Tắt bếp, chắt hết nước rồi ủ thêm 6-7 phút trong nồi đậu để hơi nóng làm đậu nở bung.
Bước 3: Nấu hạt sen
Lượng nước nấu hạt sen sẽ là lượng nước nấu chè nên anh chị cho nhiều một chút nhé. Cách nấu và thời gian nấu tương tự với đậu xanh, chắt nước luộc hạt sen qua một nồi khác - nồi này dùng để nấu chè luôn anh chị.
Bước 4: Nấu chè
Bắt phần nước luộc hạt sen lại lên nồi, cho đậu xanh vào nấu khoảng 3 phút thì cho tiếp hạt sen đã ninh nhừ vào. Khuấy đều cho nồi chè sôi trở lại thì bỏ phần phổ tai đã cắt sợi vào nấu cùng. Cho thêm lượng đường phèn tùy vào khẩu vị vào nồi, nấu sôi chừng 5 phút cho các nguyên liệu chín mềm thì tắt bếp. Anh chị nhanh tay cho thêm 1-2 ống vani vào nồi chè của mình để dậy mùi thơm thêm nhé.
Múc chè ra chén, ăn khi còn ấm nóng hoặc đập thêm ít đá nhuyễn cho mát lạnh cũng rất ngon. Chè có vị ngọt dịu chứ không gắt, cắn phải miếng phổ tai giòn sật sật cực kì bắt vị. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng trong chè tương đối cao nên hãy hạn chế ăn quá nhiều kẻo bị đầy hơi anh chị nhé.
3.5. Cách Nấu Chè Hạt Sen Táo Đỏ
Táo đỏ là một nguyên liệu có vị ngọt đậm đà, cực kì quen thuộc trong các món chè thơm ngon. Đây là loại thực phẩm có tác dụng cải thiện giấc ngủ cho những người bị mất ngủ kinh niên, bảo vệ tế bào não, làm đẹp da, phòng ngừa ung thư...Đặc biệt màu đỏ của táo sẽ giúp món chè thêm phần đặc sắc, thu hút các bạn nhỏ trong gia đình.
Nguyên liệu nấu Chè Hạt Sen Táo Đỏ
- Hạt sen 100g
- Đường phèn 300g
- Táo đỏ 50g
Cách chọn mua táo đỏ: Táo đỏ ngoài thị trường là dạng táo đỏ sấy khô đặc biệt dùng để nấu chè. Vì vậy các anh chị nên cẩn thận với các loại táo đỏ bị chảy nước, có màu sẫm đen, có mùi chua, rất có thể sản phẩm đã bị để quá hạn.
Cách Nấu Chè Hạt Sen Táo Đỏ
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Hạt sen: Rửa sạch, tách lấy tim sen (nếu còn), sau đó ngâm trong nước ấm 4-5 tiếng nếu dùng hạt sen khô và 30 phút nếu là hạt sen tươi.
Táo đỏ: Táo đỏ đặc biệt phải ngâm trong nước lạnh, ngâm tầm 5 phút là táo sẽ nở ra.
Bước 2: Nấu hạt sen
Nấu hạt sen trước khi nấu chè chính là để phần hạt được mềm, hết mủ, khi nấu chè không bị sượng mà chín đều cả hạt. Anh chị bắt một nồi nước lên bếp, lượng nước cao hơn bề mặt lượng hạt sen, đun cho đến khi sôi khoảng tầm 5-7 phút. Sau đó tắt bếp, chắt hết nước luộc hạt sen ra và đậy nắp ủ hạt thêm 3-4 phút cho chín.
Vớt hạt ra ngoài, xả lại với nước lạnh để khi nấu chè phần nước dùng không bị đục và giúp hạt sen xốp, giòn hơn.
Bước 3: Nấu chè
Bắt một nồi nước tùy theo độ đặc, loãng của chè mà anh chị mong muốn trên lửa vừa. Cho táo đỏ vào nồi nấu tầm 5 phút để táo ngậm nước, nở bung và tiết ra vị ngọt cho phần nước. Sau đó thêm phần hạt sen đã luộc vào nấu thêm 5 phút, cho lượng đường phèn/ đường thốt nốt/ đường cát tùy vào độ hảo ngọt.
Bước 4: Thưởng thức
Tắt bếp, cho một ít vani (nếu có) vào nồi chè để dậy thêm vị béo. Anh chị nên nêm nếm lại lần nữa và trừ hao độ ngọt nếu muốn ăn cùng với đá nhuyễn. Chè hạt sen táo đỏ có vị ngọt thanh thanh từ hạt sen và táo đỏ, ăn vào rất mát và tốt cho sức khỏe.
Cách Nấu Chè Hạt Sen Táo Đỏ Tuyết Trắng
Cách nấu chè hạt sen táo đỏ tuyết trắng không có gì khác biệt so với cách nấu chè hạt sen táo đỏ bên trên, chỉ khác ở phần nguyên liệu là có thêm tuyết trắng. Tuyết trắng hay còn gọi là nấm tuyết (nấm tai mèo màu trắng) giúp món chè thêm phần bắt vị bởi độ giòn sật, góp phần dinh dưỡng cho món chè nhờ vào tác dụng làm đẹp da, ngăn ngừa lão hóa, "diên niên ích thọ".
Món chè này được mệnh danh là siêu phẩm của ẩm thực Đài Loan, phần nấm tuyết thêm vào không chỉ giúp món chè thêm bắt mắt mà còn nâng thêm một bậc hương vị cho món chè anh chị ạ ^^.
Cách sơ chế nám tuyết: Tuyết trắng ngâm từ 5-6 tiếng trong nước ấm cho nở bung, tiện nhất vẫn là để ngâm qua đêm. Dùng dao hoặc kéo cắt bỏ phần gốc rồi tự tay xé thành các miếng nhỏ vừa ăn, nhớ rửa sạch nhiều lần để nấm thật sạch.
Cách nấu chè hạt sen táo đỏ tuyết trắng: Cách nấu y chang món chè hạt sen táo đỏ, anh chị chỉ cần lưu ý bắt nồi nước và nấu phần tuyết trắng trong vòng 30-35 phút trước rồi hãy cho lần lượt táo đỏ và hạt sen vào nấu cùng. Nấm tuyết hút nước rất mạnh nên phần nước ban đầu cho vào nên nhắm chừng hoặc khi nấu táo đỏ anh chị hãy cho thêm nước.
Ngoài ra, anh chị có thể kết hợp thêm một số nguyên liệu như kỷ tử, tuyết yến để món chè thật thơm ngon và bổ dưỡng.
3.6. Cách Nấu Chè Hạt Sen Nhãn Nhục
Nhãn nhục hay còn được gọi là long nhãn, một nguyên liệu nấu chè quen thuộc có nguồn gốc từ phần thịt nhãn, cùi nhãn sấy khô trong quá trình chế biến. Hạt sen và nhãn nhục là cặp bài trùng với nhau trong các món chè giải nhiệt, hòa quyện vị ngọt thanh cùng phần nhãn ngọt thơm, dai dai trong miệng. Nhãn nhục có tác dụng bổ máu, giảm lo âu, kiểm soát huyết áp, chống lão hóa...
Nguyên liệu nấu Chè Hạt Sen Nhãn Nhục
- Hạt sen khô hoặc hạt sen tươi 140g
- Long nhãn khô 70g
- Đường phèn 250g
Cách Nấu Chè Hạt Sen Nhãn Nhục
Nhãn nhục hay còn được gọi là nhãn khô trong các nguyên liệu nấu chè vì vậy cách nấu chè hạt sen nhãn khô hay chè hạt sen nhãn nhục, chè hạt sen nhãn đều là một anh chị nhé.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Long nhãn ngâm với nước lạnh qua đêm cho nở mềm, sáng hôm sau anh chị lấy ra rồi rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ các tạp chất còn sót lại.
Hạt sen mua về rửa sạch và ngâm trong nước ấm để nở mềm: hạt sen khô ngâm trong 4-5 tiếng hoặc qua đêm, hạt sen tươi thì tách sạch tim sen và ngâm tầm 30 phút là được.
Bước 2: Nấu chín hạt sen
Cho hạt sen vào một nồi nước nhiều hơn phần hạt, đun sôi tầm 5-7 phút cho hạt chín mềm rồi chắt lấy phần nước sang một nồi khác. Ủ hạt sen trong nồi còn hơi nóng thêm 3-4 phút cho hạt chín đều.
Bước 3: Nấu chè
Dùng phần nước luộc hạt sen để nấu chè, thêm lượng đường phèn vào nấu đến khi đường phan. Lượng đường và nước cứ gia giảm tùy theo khẩu vị của quý anh chị nhé. Sau khi nước sôi thì cho phần hạt sen và nhãn khô đã ngâm vào nấu cùng. Nấu thêm tầm 5 phút để cả hạt sen và nhãn nhục ngấm nước, tiết ra chất ngọt rồi tắt bếp.
Múc chè ra chén, ăn khi còn nóng hoặc ăn cùng một ít đá bào cho mát lạnh cũng rất ngon anh chị ạ. Chè hạt sen nhãn nhục có vị ngọt rất đặc biệt, dịu mát chứ không gắt cổ họng, cắn vào phần nhãn khô dai dai và mọng nước rất bắt vị.
Cách Nấu Chè Hạt Sen Nhãn Nhục Táo Đỏ
Với món chè này anh chị có thể kết hợp thêm táo đỏ để đa dạng topping ăn kèm hơn. Táo đỏ anh chị mua về ngâm với nước lạnh chừng 5-10 phút là có thể nấu chè. Các bước nấu tương tự như cách nấu chè hạt sen nhãn nhục chỉ khác ở chỗ anh chị nên nấu phần táo đỏ cho nở mềm, ngậm nước và tiết hết chất ngọt rồi hãy thêm hạt sen và nhãn khô vào nấu cùng nhé.
Chè hạt sen nhãn nhục táo đỏ là món chè phổ biến và được ưa chuộng nhiều nhất, dù ở độ tuổi nào đều rất ưa chuộng hương vị ngọt thanh, dịu mát và cực kì bắt miệng này.
3.7. Cách Nấu Chè Củ Năng Hạt Sen
Củ năng là loại thực phẩm bổ dưỡng thường được dùng làm thạch, nấu chè. Nguyên liệu này khá giàu chất xơ và nhiều dưỡng chất quý giá, có khả năng hỗ trợ trị liệu tốt đối với các bệnh tim mạch, tiểu đường, giảm nguy cơ sỏi thận, cải thiện sức khỏe đường ruột. Tinh bột củ năng thuộc dạng tiêu hóa chậm nên có hiệu quả tốt trong chế độ ăn kiêng, ít crab...
Nguyên Liệu Nấu Chè Củ Năng Hạt Sen
- Củ năng 300g
- Hạt sen 200g
- Đường phèn hoặc đường thốt nốt 500g (tùy theo khẩu vị)
Cách Nấu Chè Củ Năng Hạt Sen
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Củ năng: Củ năng mua về phải rửa thật sạch, gọt vỏ kĩ rồi rửa lại lần nữa. Củ năng tương đối khó nhất ở phần sơ chế, anh chị nên bổ đôi hoặc ba cho dễ gọt vỏ và dễ ăn. Sau khi gọt, hãy ngâm củ năng trong thau nước lạnh để giữ được màu trắng đẹp không bị thâm đen.
Hạt sen: Mua về rửa sạch và ngâm trong nước ấm để nở mềm: hạt sen khô ngâm trong 4-5 tiếng hoặc qua đêm, hạt sen tươi thì tách sạch tim sen và ngâm tầm 30 phút là được.
Bước 2: Nấu chín hạt sen
Nấu hạt sen trên bếp với nồi nước đủ nhiều (cao hơn bề mặt hạt), nấu sôi trong vòng 5-7 phút để hạt chín bở tới là vừa được.
Bước 3: Ướp hạt sen
Vớt hạt sen ra tô, cho đường phèn vào ướp cùng, nhớ đảo đều để hạt sen ngấm đường nhé. Để 5 phút cho hạt sen ngấm đường sao đó cho hỗn hợp trên vào nồi nước luộc hạt sen trước đó. Cách này giúp cho vị ngọt của chè sẽ đậm hương thơm của hạt sen.
Bước 4: Nấu chè
Nấu sôi nồi nước luộc hạt sen rồi cho phần hạt vào nấu tầm 2-3 phút, cho tiếp phần củ năng đã sơ chế vào nấu cùng. Nêm nếm lại vị ngọt cho vừa ăn rồi tắt bếp và chuẩn bị thưởng thức.
Mẹo nhỏ: Không nên nấu hạt sen hay nấu chè quá lâu, như vậy sẽ làm phần hạt bị bở nát, phần củ năng bị mềm và mất độ giòn vốn có.
Chè hạt sen củ năng có vị ngọt dịu của đường phèn, hạt sen chín mềm ăn vào rất bùi mà dậy vị thơm. Củ năng trắng giòn, ngọt thanh hấp dẫn giúp món chè tăng thêm hương vị ngọt ngào, giải ngấy những trưa nắng nóng. Món chè này có tác dụng giải nhiệt, an thần và làm đẹp làn da từ sâu bên trong cực kì hiệu quả.
3.8. Cách Nấu Chè Hạt Sen Thập Cẩm
Cách nấu chè hạt sen thập cẩm là sự kết hợp hoàn hảo của các công thức nấu chè mà tôi đã chia sẻ ở trên. Hạt sen khá lành tính nên anh chị không cần quá lo lắng khi mix các nguyên liệu nấu chè cùng nhau. Chè hạt sen thập cẩm phổ biến nhất là nấu hạt sen cùng táo đỏ, kỷ tử, nhãn khô, đậu xanh, phổ tai, nấm tuyết, nho khô, rong biển...
Gia đình mình thích ăn loại nào thì anh chị nấu cùng loại đó, chỉ cần có phần nước luộc hạt sen ngọt thanh là đảm bảo món chè dù nấu với nguyên liệu nào cũng cực kì thơm ngon.
Ngoài chè hạt sen, các anh chị có thể tham khảo thêm một số món ăn dinh dưỡng từ hạt sen như:
- Yến Chưng Hạt Sen - Đẹp da tốt dáng
- Canh Hạt Sen - Chăm sóc người bệnh hiệu quả
3.9. Bí Quyết Nấu Chè Hạt Sen Ngon
Để tôi giúp các anh chị tổng hợp lại một số bí quyết nấu chè hạt sen ngon áp dụng cho mọi công thức như sau:
Về phần đường: Anh chị nên dùng đường phèn hoặc đường thốt nốt thì khi nấu chè sẽ cho ra vị ngọt thanh dễ chịu. Dùng đường tinh khiết cũng có thể nấu chè tuy nhiên vị ngọt sẽ hơi gắt ở hậu vị.
Về phần thêm đá vào chè: Nếu anh chị thích ăn chè cùng đá bào hoặc đá nhuyễn, tôi khuyên rằng khi nấu chè hãy trừ hao một phần vị ngọt để khi cho đá vào ăn không bị lạc vị nhé.
Về phần hạt sen: Anh chị nên chọn hạt sen tươi thì khi nấu chè sẽ có vị ngọt thơm hơn, hạt sen lúc ăn cũng dẻo mềm và có độ xốp vừa phải. Hạt sen khô bảo quản lâu quá cũng sẽ hao hụt đi một phần dưỡng chất. Để nấu chè hạt sen không bị sượng, anh chị chỉ nên ngâm hạt sen bằng nước ấm.
3.10. Cách Bảo Quản Chè Hạt Sen Lâu
Chè hạt sen nấu xong nên dùng trong ngày vì có quá nhiều nguyên liệu dinh dưỡng nên chè rất nhanh bị hư đặc biệt là vào thời tiết nắng nóng. Sau khi nấu chè nếu chưa dùng hết, anh chị nên đợi chè nguội và cất một phần trong ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản thường là 1-3 ngày ở ngăn mát và lâu hơn ở ngăn đông.
Ngoài ra anh chị có thể tham khảo thêm một cách bảo quản hạt sen khi mua nguyên liệu về nấu chè như sau:
- Hạt Sen tươi thường chỉ để được từ khoảng 5 đến 7 ngày ở nhiệt độ phòng bình thường và từ 7 đến 14 ngày trong tủ lạnh. Để bảo quản hạt sen tươi thì có rất nhiều cách, ví dụ như: Bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, bằng cách phơi hoặc sấy khô, anh chị cũng có thể hấp chín hạt sen rồi cho vào ngăn đông, ngoài ra có thể ngâm qua nước muối loãng sau đó chần qua nước sôi rồi đem đi cấp đông hạt sen,...
- Hạt Sen khô, do hạt sen đã được sấy khô nên độ ẩm trong hạt sen không cao, khó bị ẩm mốc. Tuy vậy, anh chị vẫn cần đựng hạt sen trong các túi zip hoặc hộp kín để hạt sen khô không bị hút ẩm trở lại. Anh chị nên chi hạt thành nhiều phần nhỏ, tránh mở hộp nhiều lần ảnh hưởng đến các hạt còn lại. Hạt sen khô có thể để ở nhiệt độ phòng trong vòng 12 tháng.
4. Những lưu ý để ăn Chè Hạt Sen an toàn cho sức khỏe
4.1. Ăn Chè Hạt Sen vào lúc nào là tốt nhất?
Có thể ăn chè hạt sen vào nhiều thời điểm trong ngày nhưng hạn chế ăn vào đêm khuya đặc biệt với các công thức chè ăn kèm nước cốt dừa. Vì hạt sen có tính hàn, nước cốt dừa lại nhạy cảm với hệ tiêu hóa yếu nên rất dễ gây lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa.
4.2. Những ai nên hạn chế Ăn Chè Hạt Sen
Người có hệ tiêu hóa không tốt
Trong Đông Y, hạt sen có tính bình, không độc. Khi sử dụng đúng cách hoặc với lượng vừa phải, hạt sen có tác dụng kích thích tiêu hóa hoặc chữa rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, dùng nhiều hạt sen có thể dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, táo bón. Vì hạt sen chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên nếu anh chị bị khó tiêu hoặc hệ tiêu hóa không tốt thì nên hạn chế sử dụng hạt sen.
Người mắc bệnh tim mạch
Bệnh nhân tim mạch theo tôi tìm hiểu thì nên hạn chế ăn hạt sen và đặc biệt là tránh ăn tâm sen. Vì trong tâm sen có nhiều ancaloit nên nó có tác dụng mạnh và ảnh hưởng đến tim mạch. Vì tâm sen cũng có tính độc nên nếu định dùng làm thuốc thì trước tiên phải khử độc trước khi sử dụng.
Anh chị có thể đem sào hoặc phơi khô qua tâm sen cho đến khi chuyển sang màu vàng nhưng không để cháy để chất độc có thể thoát ra ngoài. Ở những người bị bệnh tim, anh chị nên chú ý đến liều lượng và không được sử dụng. Và tốt nhất, nếu có tiền sử bệnh tim mạch nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Trẻ em dưới 1 tuổi
Trẻ em ở tuổi chưa có khả năng nhai và tiêu hóa tốt, món chè hạt sen lại rất ngọt và có nhiều nguyên liệu dễ gây mắc nghẹn, anh chị đặc biệt không để trẻ ăn thử. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể tập ăn để cho dễ tiêu hóa. Để biết cụ thể về việc Trẻ em ăn hạt sen có tốt không? Và từng nhóm tuổi nên ăn hạt sen như thế nào cho tốt. Mời quý anh chị đọc qua bài viết tôi đã chia sẻ nhé!
Ngoài ra, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn các món từ hạt sen như sau:
- Cháo Hạt Sen Ăn Dặm - Xem ngay cách nấu!
- Sữa Hạt Sen Dinh Dưỡng - Khám phá hơn 6 công thức sữa hạt thơm ngon
4.3. Ăn nhiều Chè Hạt Sen có sao không?
Về nguyên tắc, không có tác dụng phụ từ việc tiêu thụ hạt sen. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều hoặc tiêu thụ không đúng cách, anh chị cũng có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe cho đường ruột. Hạt sen lành tính, không độc nhưng anh chị không nên ăn nếu có vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu.
Bởi hạt sen có tác dụng chữa tiêu chảy, nên nếu cơ thể đang gặp tình trạng táo bón mà ăn hạt sen sẽ khiến tình trạng táo bón càng nặng hơn. Và vì hạt sen rất giàu chất dinh dưỡng nên nếu anh chị lỡ ăn phải quá nhiều sẽ khiến dạ dày bị đầy và khó chịu.
Thường nấu chè Hạt Sen anh chị thích nấu cùng Hạt Sen tươi để tận dụng được cả tâm sen có trong hạt sen tươi. Tuy nhiên Ăn quá nhiều tâm sen sẽ gây mệt mỏi, rối loạn nhịp tim: nếu ăn quá nhiều tâm sen trong cùng một thời gian sẽ gây ra những tác động ngược lại như: mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, thậm chí là giảm trí nhớ.
Được nghiên cứu và đề cao bởi tính bình, an thần giúp ổn định tinh thần và giấc ngủ thế nhưng dân gian vẫn luôn nói nhau rằng "cái gì nhiều quá cũng không tốt" nên anh chị phải thật thẩn trọng khi ăn nhé.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không nên ăn củ sen liên tục và lâu dài, chỉ khoảng 1 đến 2 gam mỗi ngày và không quá 7 ngày. Sau một vài ngày sử dụng. nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian tiêu hao và đào thải, sau đó tiếp tục sử dụng.
Chè hạt sen kị với gì? Theo dân gian truyền lại, hạt sen kị với thịt cua và thịt rùa nên anh chị ngoài lưu ý khẩu phần ăn hạt sen cũng nên cân nhắc về hai nguồn thực phẩm này để tránh xảy ra ngộ độc.
Đây là một lưu ý mà tôi nghĩ anh chị cần phải ghi nhớ để gia đình có thể tận dụng được những nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ món chè hạt sen. Hi vọng rằng những chia sẻ chân tình này có thể giúp anh chị và gia đình nhỏ có những phút giây ngon miệng cùng những chén chè hạt sen thơm mát.
Thanks for your reading !
from Hạt Điều Bác Tâm with ♥